Dự báo kinh tế thế giới đến năm 2020 và tác động tới triển vọng kinh tế Việt Nam
I. Dự báo kinh tế thế giới đến năm 2020
Dự báo về tình hình kinh tế thế giới giai đoạn 2011-2020, các tổ chức nghiên cứu kinh tế và các chuyên gia trên thế giới đều thống nhất nhận định rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng lạc quan. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khối lượng GDP thế giới sẽ tăng khoảng 1,4 lần, từ mức 32 nghìn tỷ USD hiện nay lên tới 42 nghìn tỷ USD vào năm 2010 và 53 nghìn tỷ USD năm 2020 (tính theo giá năm 2000). Theo dự báo của Cơ quan tình báo kinh tế Anh (EIU), đến năm 2020, quy mô nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng thêm khoảng 2/3 so với năm 2005 với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 3,5%/năm trong giai đoạn 2006-2020.
Thương mại thế giới giai đoạn 2011-2020 được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn sản lượng, đạt tốc độ trung bình 7,5%/năm, chiếm 45% GDP thế giới vào năm 2020. Tự do hoá thương mại, chi phí vận tải và viễn thông giảm, các luồng vốn di chuyển giữa các quốc gia ngày càng dễ dàng hơn là những nguyên nhân chính thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Thương mại dịch vụ ngày càng khẳng định vai trò của mình, trở thành một trong những nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia nói riêng và thế giới nói chung trong giai đoạn 2011-2020. Nhiều hình thức thương mại mới như thương mại điện tử được dự báo sẽ chiếm từ 10-15% kim ngạch thương mại toàn thế giới. Các rào cản trong thương mại quốc tế mặc dù tiếp tục được hạ thấp nhưng vẫn còn ở mức cao trong một số lĩnh vực (nông nghiệp, dịch vụ…) và ở một số nước. Các biện pháp bảo hộ thương mại có thể được áp dụng dưới những hình thức khác, tinh vi hơn như chống bán phá giá, qui định về các tiêu chuẩn kỹ thuật… Tiến trình mở cửa thị trường ở cấp độ quốc tế sẽ gặp một số trở ngại, nhưng ở cấp độ quốc gia sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các thoả thuận thương mại song phương và khu vực.
Trong giai đoạn 2011-2020, sự dịch chuyển các luồng vốn giữa các quốc gia tăng mạnh, đặc biệt là hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tiếp tục nằm trong số những nước nhận FDI nhiều nhất thế giới; Mỹ và các nước phát triển vẫn là những nhà đầu tư chủ yếu. Bên cạnh đó, đầu tư ra bên ngoài của các nước đang phát triển cũng có xu hướng tăng mạnh, chủ yếu là đầu tư giữa các nước có cùng trình độ phát triển với nhau. Đầu tư vào các nước phát triển chủ yếu thông qua hình thức sáp nhập và mua lại (M&A) giữa các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia (TNC) lớn, trong khi đó đầu tư vào các nước đang phát triển đa phần là đầu tư mới - đầu tư xây dựng cơ bản. Đầu tư gián tiếp cũng tiếp tục tăng trong giai đoạn 2011-2020, chủ yếu thông qua hình thức đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá giữa các đồng tiền chính không có nhiều biến động do các nền kinh tế chính trên thế giới đều tăng trưởng khả quan. Đồng USD tiếp tục là đồng tiền dự trữ chủ yếu, bên cạnh các đồng tiền quan trọng khác như đồng EUR, JPY, NDT. Có nhiều khả năng sẽ xuất hiện một đồng tiền chung châu Á có tầm ảnh hưởng quan trọng trên thị trường tiền tệ thế giới do vị thế của các nền kinh tế trong khu vực này tăng lên trên trường quốc tế. Lãi suất thực tế trên thế giới trong giai đoạn 2011-2020 tiếp tục giảm và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục đến năm 2050. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư ở nhóm các nước dân số già tăng lên như Nhật Bản, EU… sẽ giảm, trong khi đó, ở các nước có dân số trẻ như các nước đang phát triển ở khu vực Châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, tỷ lệ này sẽ tăng lên. .
Thị trường lao động thế giới giai đoạn 2011-2020 sẽ chịu ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hoá kinh tế và sự thay đổi về nhân khẩu học. Toàn cầu hoá khiến cho lao động dễ dàng di chuyển giữa các quốc gia, khu vực. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực có lực lượng lao động lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, dân số thế giới trong giai đoạn 2011-2020 tăng chậm lại và chủ yếu gia tăng tại các nước đang phát triển, vì thế, lực lượng lao động của kinh tế thế giới chủ yếu tập trung ở các nước này; từ đó làm gia tăng tình trạng di dân từ các nền kinh tế có trình độ phát triển thấp sang các nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2020, dự báo kinh tế thế giới có những đặc điểm nổi bật sau: Thứ nhất, toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới ngày càng mạnh mẽ. Thứ hai, các liên kết kinh tế song phương, khu vực và đa phương tiếp tục được mở rộng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực và thế giới. Thứ ba, khoa học - công nghệ ngày càng khẳng định vai trò là một trong những lực lượng sản xuất trực tiếp quan trọng nhất của nền kinh tế thế giới. Thứ tư, kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn như sự phát triển quá nóng của các nền kinh tế đang phát triển, cầu năng lượng tăng tác động tiêu cực đến dự trữ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống. Thứ năm, hoạt động kinh tế thế giới dần chuyển sang khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Á, biến khu vực này thành một trung tâm kinh tế thế giới mới bên cạnh những nền kinh tế đã phát triển mạnh như Mỹ, EU và Nhật Bản. Thứ sáu, các nước đang phát triển ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
2. Một số liên kết kinh tế quan trọng mà Việt Nam tham gia trong giai đoạn 2011-2020
2.1. ASEAN
Đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành "một nhóm hài hòa các quốc gia Đông Nam Á hướng ngoại, sống trong hòa bình, ổn định và phồn vinh, gắn bó với nhau bằng quan hệ đối tác trong phát triển năng động, trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc và chia sẻ". Tới năm 2020, các quốc gia ASEAN sẽ hoàn thành việc cắt giảm thuế đối với hàng loạt sản phẩm theo Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) trong khuôn khổ AFTA. Ngoài ra, quá trình liên kết đầu tư trong ASEAN sẽ phát triển mạnh, tập trung vào việc triển khai Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) với mục đích tạo dựng một khu vực đầu tư ASEAN tự do cạnh tranh cùng có lợi. Các Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do (FTAs) và Hợp tác đối tác kinh tế (CEPs) với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và thắt chặt quan hệ kinh tế với Ôxtrâylia và Niu Dilân cũng như với Ấn Độ và Mỹ sẽ được thực hiện. Những liên kết này được hy vọng là sẽ đẩy mạnh tiến trình hợp nhất kinh tế trong khu vực và duy trì tính hấp dẫn của ASEAN.
2.2. ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc)
Hợp tác ASEAN + 3 là một trong những cơ chế quan trọng quyết định sự thành công của việc hiện thực hóa ý tưởng về Cộng đồng Đông Á. Trong số các biện pháp hợp tác trung và dài hạn, các nước ASEAN + 3 đặc biệt chú ý đến việc xây dựng Khu vực thương mại tự do Đông Á (EAFTA). Các bên đã thống nhất đến năm 2012 sẽ dỡ bỏ tất cả hàng rào phi thuế quan; cam kết loại bỏ tất cả các hình thức cản trở việc tiếp cận thị trường giữa các nước thành viên vào năm 2015 trong các lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế. Bên cạnh đó, trong các tiến trình ASEAN + 1, việc thiết lập các khu vực thương mại tự do song phương giữa từng đối tác Đông Bắc Á với ASEAN sẽ được xúc tiến, dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2020.
2.3. ASEAN – Trung Quốc
Một khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) sẽ được thành lập, trong đó, Inđônêxia, Thái Lan, Malaixia, Brunây, Xingapo và Philippin sẽ tham gia vào năm 2010; Việt Nam, Lào, Cămpuchia và Mianma sẽ tham gia vào năm 2015. ACFTA sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với dân số trên 1,7 tỷ người, tổng GDP đạt 2.400 tỷ USD và sẽ có ảnh hưởng lớn đến cục diện phát triển của kinh tế toàn thế giới. Dự kiến, với ACFTA, kim ngạch buôn bán giữa Trung Quốc - ASEAN sẽ nâng lên gần tới mức của EU và khu mậu dịch tự do Bắc Mỹ NAFTA hiện nay.
2.4. Hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS)
GMS được phân bố theo các hành lang kinh tế như Hành lang kinh tế Bắc – Nam (gồm Trung Quốc, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam), Hành lang kinh tế Đông – Tây (gồm Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam), Hành lang kinh tế phía Nam (Thái Lan, Cămpuchia và Việt Nam). Trong khuôn khổ các hành lang kinh tế, điều kiện cơ sở vật chất về giao thông giữa các nước tham gia đều được cải thiện, hình thành những trục giao thông đạt tiêu chuẩn quốc tế trong khu vực. Dự kiến đến năm 2012, sẽ có một tuyến đường bộ xuyên Á nối liền các nước trong khu vực này, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư qua biên giới giữa các nước.
2.5. Hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế”
Khuôn khổ hợp tác này bao gồm hai hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và một vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế” được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 2006–2010, Việt Nam và Trung Quốc sẽ phối hợp với kế hoạch giảm thuế của Khu thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN. Tiếp đó giai đoạn 2011 – 2020, hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế” sẽ được triển khai toàn diện, từng bước vào nền nếp, xây dựng cơ chế hợp tác đa phương, đa dạng đồng thời thu hút nhiều doanh nghiệp của các nước ngoài ASEAN tham gia, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc – ASEAN. Với hợp tác ”Hai hành lang một vành đai kinh tế”, kết cấu hạ tầng trong khu vực hợp tác được cải thiện đáng kể, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
2.6. Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cămpuchia
Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cămpuchia bao gồm lãnh thổ của 7 tỉnh cao nguyên ở khu vực biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Cămpuchia, có vị trí chiến lược đối với cả ba nước về chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Dự kiến trong giai đoạn 2011-2020, khi chủ trương hợp tác của ba nước được hiện thực hóa, tạo nên những yếu tố mang tính đột biến, mức tăng trưởng bình quân của toàn Tam giác phát triển sẽ cao hơn. Các tỉnh Tây Nguyên (Việt Nam) vẫn là những địa phương đóng góp phần lớn trong tổng sản phẩm của Tam giác phát triển, quyết định mức tăng trưởng bình quân của toàn Tam giác phát triển (ước tính khoảng 8-9%/năm).
3. Tác động của kinh tế thế giới tới chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam
- Đối với tăng trưởng kinh tế
Theo dự báo của EIU, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2010 đạt 7%, so với mức trung bình của thế giới là 4%. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo (2011-2020), nếu không có những chính sách kinh tế mang tính đột phá mạnh thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam được dự báo là sẽ sụt giảm đáng kể, chỉ còn 4,6%. Do vậy, mức tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2020 sẽ đạt 5,4%, mặc dù cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á nhưng vẫn đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Pakixtan. Trong giai đoạn 2011-2020, tình hình kinh tế thế giới diễn biến thuận chiều, cùng với những bước chuyển mình quan trọng của nội tại nền kinh tế (hoàn thành kế hoạch 2006-2010, gia nhập WTO…), các cơ chế chính sách của Nhà nước tập trung phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục có bước phát triển đáng kể , đạt được một vị thế thỏa đáng trong khu vực.
- Đối với thương mại
Trong giai đoạn 2011-2020, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế từng quốc gia nói riêng phát triển là cơ hội tốt cho xuất khẩu của Việt Nam do cầu đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, thị trường tiềm năng của hàng xuất khẩu Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp phải sức ép cạnh tranh không nhỏ từ các nước ASEAN và các nước láng giềng trong khu vực châu Á. Trong điều kiện hàng hoá, dịch vụ Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh, việc mất thị trường “sân nhà” hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, với xu hướng hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của các nước, Việt Nam với trình độ khoa học - công nghệ đi sau các nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khuôn khổ WTO, với việc còn bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm sau khi gia nhập (2007-2019), Việt Nam chắc chắn sẽ gặp bất lợi hơn so với các nước khác trong các tranh chấp thương mại được giải quyết theo quy định của WTO.
- Đối với các luồng vốn vào Việt Nam
Trong giai đoạn 2011-2020, Việt Nam sẽ trở thành địa điểm thu hút được nhiều FDI của các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là qua hình thức dịch vụ ngoại biên (outsourcing). Hoạt động dịch vụ ngoại biên tại Việt Nam trong giai đoạn này sẽ nhằm vào cả hai lĩnh vực là chế tác và công nghệ cao. FDI vào các ngành công nghệ cao là một xu hướng chung của cả thế giới. Trong khi đó, do Trung Quốc đang hướng tới thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao nên các nước đầu tư sẽ chuyển dần các ngành sản xuất, chế tác sang các địa điểm có lợi thế tương đồng về nguồn nhân lực và trình độ phát triển với Trung Quốc, trong đó Việt Nam là một lựa chọn được ưu tiên. Ngoài ra, việc triển khai khu vực đầu tư ASEAN (AIA) vào năm 2015 sẽ thúc đẩy luồng vốn đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp, từ các nước ASEAN vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam đầu tư sang các nước láng giềng trong khu vực.
- Đối với ngân sách
Trong giai đoạn 2011-2020, tuy Việt Nam phải thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan khi gia nhập WTO, các liên kết của ASEAN và hiệp định song phương, nhưng nguồn thu ngân sách sẽ không chịu những tác động đáng ngại do thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu chỉ chiếm 19-22% tổng thu ngân sách. Thu nội địa có thể gặp một số trở ngại do việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm tăng sức ép cạnh tranh cho các ngành sản xuất trong nước. Nhưng xét trên khía cạnh khác, tỷ lệ thu nội địa sẽ không giảm do mở cửa thị trường đồng nghĩa với việc nền kinh tế tăng trưởng vững chắc hơn, thu nhập của người dân tăng lên. Bên cạnh đó, do việc bảo hộ chỉ giới hạn trong một số ngành kinh tế nên gánh nặng chi ngân sách không quá lớn. Về dài hạn, cân đối ngân sách vẫn tương đối ổn định.
- Đối với các ngành kinh tế
Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 sẽ chịu tác động của kết quả vòng đàm phán Doha . Thời điểm kết thúc của vòng đàm phán này vẫn chưa xác định được, tuy nhiên, chắc chắn là kết quả của nó sẽ tác động chủ yếu theo hướng bất lợi cho nông nghiệp Việt Nam .
Trong lĩnh vực công nghiệp, theo xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, tỷ lệ các ngành công nghiệp chế tác trong nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, xu hướng dịch vụ ngoại biên chuyển công nghệ ra bên ngoài cũng tác động tích cực đến công nghiệp Việt Nam, biến Việt Nam thành cơ sở sản xuất, lắp ráp cho các nước phát triển, giống như Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay.
Trong lĩnh vực dịch vụ, sẽ có thêm nhiều loại hình dịch vụ mới trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia rất nhiều vào các lĩnh vực này, do đó, ngành dịch vụ Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh, đa dạng về sản phẩm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020.
Một số gợi ý về hướng phát triển cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020
Để thích ứng với bối cảnh và tác động của tình hình kinh tế thế giới nêu trên, xin nêu một số gợi ý bước đầu được tập hợp từ các chuyên gia về hướng phát triển cho kinh tế Việt Nam trong thời kỳ chiến lược 2011-2020 như sau:
· Tích cực phát triển kinh tế tri thức: Cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam đang hướng tới việc phát triển kinh tế tri thức. Nhiều nước phát triển trên thế giới hiện nay đã đạt đến trình độ phát triển cao, trong đó tri thức, công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế chính, tạo ra sức sản xuất, năng suất lao động vượt trội. Để có thể phát triển nhanh, bền vững và bắt kịp với những nước đó, Việt Nam tất yếu phải phát triển những ngành, lĩnh vực dựa trên tri thức, khoa học và công nghệ cao.
· Chọn lựa và ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp trọng điểm: Việt Nam cần tập trung nguồn lực phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm để có thể tạo ra bước phát triển nhảy vọt, phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế. Các ngành trọng điểm cần là những ngành có thế mạnh, có điều kiện phát triển ở Việt Nam, có khả năng thu hút nhiều lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, hướng ra xuất khẩu. Ngoài ra, việc đánh giá, lựa chọn những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn cần tiến hành trên cơ sở áp dụng các phương pháp định lượng, mang tính đo lường cụ thể.
· Thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới: Để hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần chú ý kết hợp hài hoà giữa hợp tác song phương, khu vực và đa phương. Bên cạnh việc tập trung thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO, Việt Nam cần lựa chọn đối sách thích hợp trước sự phát triển nhanh chóng của các FTA song phương. Theo đó, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và chuẩn bị những bước đi phù hợp để tham gia ký kết các FTA trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực, chủ động tham gia sáng kiến liên kết mới nhằm khắc phục những hạn chế của các hình thức liên kết đã có. Việc Việt Nam chủ động tham gia vào các hình thức liên kết mới này cũng giúp nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời, tạo điều kiện cho Việt Nam phát huy vai trò của mình, góp phần nâng cao trọng lượng tiếng nói của nhóm các nền kinh tế nhỏ và đang phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét